Tổng quan Chính_quyền_địa_phương_ở_Việt_Nam

Khác với chế độ liên bang (federation) của một số nước, chính quyền địa phương của Việt Nam là một bộ phận hợp thành của chế độ đơn nhất (unitary state).

Chính quyền địa phương Việt Nam bao gồm:

  • Các cơ quan quyền lực ở địa phương, gọi là Hội đồng nhân dân, do nhân dân địa phương trực tiếp bầu ra, đứng đầu là Chủ tịch Hội đồng nhân dân.
  • Các cơ quan hành chính ở địa phương, gọi là Ủy ban Nhân dân, do Hội đồng nhân dân bầu ra, cùng với các tổ chức khác được thành lập trên cơ sở các cơ quan quyền lực nhà nước này theo quy định của pháp luật nhằm quản lý các lĩnh vực của đời sống xã hội ở địa phương, trên cơ sở nguyên tắc tập trung dân chủ và kết hợp hài hoà giữa lợi ích nhân dân địa phương với lợi ích chung của cả nước; đứng đầu là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân.
  • Các cơ quan xét xử ở địa phương, gọi là Tóa án Nhân dân, do Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao bổ nhiệm; đứng đầu là Chánh án.

Trong lý luận và thực tiễn

Khái niệm chính quyền địa phương là khái niệm phát sinh từ khái niệm hệ thống các cơ quan nhà nước ở địa phương. Khái niệm này được sử dụng khá phổ biến trong nhiều văn bản pháp luật của nhà nước. Là một khái niệm được sử dụng nhiều trong tổ chức và hoạt động của nhà nước vào đời sống thực tế xã hội, tuy nhiên hiện nay vẫn chưa có một văn bản pháp luật nào định nghĩa khái niệm chính quyền địa phương bao gồm những thiết chế nào, mối quan hệ và cơ chế hoạt động cụ thể của các bộ phận cấu thành. Xuất phát từ góc độ nghiên cứu lý luận, từ góc độ thực tiễn hay cách thức tiếp cận vấn đề nghiên cứu của các nhà khoa học, các nhà thực tiễn và quản lý tập trung vào 3 quan niệm như sau:

  1. Chính quyền địa phương là khái niệm dùng chung để chỉ tất cả các cơ quan nhà nước (mang quyền lực nhà nước) đóng trên địa bàn địa phương
  2. Cấp Chính quyền địa phương gồm hai phân hệ cơ quan – cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương (Hội đồng nhân dân) và cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương (Uỷ ban nhân dân) (Hiến pháp VN có hiệu lực từ ngày 01/01/2014).
  3. Chính quyền địa phương bao gồm 4 phân hệ cơ quan tương ứng với 4 phân hệ cơ quan nhà nước tối cao ở trung ương (Quốc hội, Chính phủ, Toà án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao) là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương (Hội đồng nhân dân các cấp), cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương (Uỷ ban nhân dân các cấp), cơ quan tư pháp (Toà án nhân dân các cấp) và cơ quan kiểm sát (Viện kiểm sát nhân dân các cấp).

Trong các văn kiện

Trong nhiều văn bản của Đảng và Nhà nước Việt Nam, khái niệm chính quyền địa phương được sử dụng để chỉ tổ chức và hoạt động của hai cơ quan là Hội đồng nhân dânỦy ban nhân dân. Nghị quyết lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) ngày 18 tháng 6 năm 1997 tại phần III, mục 4 về tiếp tục cải cách hành chính nhà nước đối với chính quyền địa phương chỉ đề cập tới việc kiện toàn củng cố Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp và hướng cải cách tổ chức và hoạt động của hai cơ quan này mà không đề cập tới các cơ quan nhà nước khác trong hệ thống các cơ quan nhà nước ở địa phương. Hiện nay, theo quy định của Hiến pháp 1992 và Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân năm 2003 chính quyền địa phương được tổ chức ở 3 cấp tương ứng đối với các đơn vị hành chính sau đây:

  1. Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là cấp tỉnh)
  2. Huyện, Quận, Thị xã, Thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là cấp huyện)
  3. Xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã)